Đại lượng kilogram sẽ được định nghĩa lại dựa trên hằng số Planck chính xác và đáng tin cậy hơn so với dựa vào khối kilogram mẫu ở Paris.
Các nhà khoa học đang đề xuất cập nhật định nghĩa về kilogram, CNN đưa tin. Hội đồng nghiên cứu sẽ bỏ phiếu thông qua quyết định điều chỉnh Hệ đo lường quốc tế (SI) vào ngày 16/11. Lý do dẫn tới đề xuất thay đổi là theo thời gian, khối kilogram tiêu chuẩn mất các nguyên tử và do đó giảm khối lượng do "dễ bị hư hỏng và chịu tác động từ yếu tố môi trường", theo Phòng thí nghiệm vật lý quốc gia (NPL), nơi lưu giữ Kilo 18, bản sao ở Anh của khối kilogram tiêu chuẩn tên Le Grand K (IPK).
Trong hơn 100 năm, Paris là nơi đặt Le Grand K, khối kim loại dùng để định nghĩa trọng lượng chính xác của một kilogram. Mọi thứ từ cân nhà bếp tới tạ tập gym trên khắp thế giới đều được sản xuất theo khối kilogram tiêu chuẩn hình trụ làm từ bạch kim và iridi, được bảo quản cẩn thận trong hầm chứa an toàn ở thủ đô nước Pháp từ năm 1889. Các nước khác nhau có "khối kilogram nguyên mẫu" riêng dùng làm tiêu chuẩn quốc gia và được hiệu chỉnh dựa theo bản gốc ở Paris.
Cứ 40 năm một lần, Le Grand K lại được đối chiếu với những bảo sao, khiến việc hiệu chỉnh trở nên kém chính xác. Dù thay đổi về khối lượng chỉ tương đương trọng lượng của một chiếc lông mi, nó có thể kéo theo những ảnh hưởng sâu rộng. "Điều này không gây ra vấn đề gì khi cân một túi đường nhưng sẽ trở nên không thể chấp nhận đối với các ngành khoa học cần độ chính xác cao hơn, như khi định lượng dược phẩm", NPL cho biết.
Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Sáu tại Hội nghị về Cân nặng và Đo lường tại Versailles có thể vĩnh viễn thay đổi định nghĩa về kilogram nếu thông qua quyết định ngừng sử dụng IPK. Định nghĩa mới về kilogram được đề xuất dựa trên hằng số Planck rút ra từ các quan sát trong thế giới tự nhiên và luôn luôn không thay đổi.
Tuy giá trị của đại lượng kilogram không thay đổi, việc định nghĩa lại kilogram bằng hằng số sẽ đảm bảo đại lượng này luôn đáng tin cậy, giúp các phép đo khối lượng trở nên chính xác hơn trong tương lai. Hằng số Planck mô tả hành vi của các hạt và sóng ở cấp nguyên tử và phụ thuộc vào ba đơn vị: mét, kilogram và giây.
Do mét và giây được đo và định nghĩa bằng tốc độ ánh sáng, hai đơn vị này có thể được sử dụng cùng với hằng số Planck cố định để định nghĩa một kiogram. Riêng hằng số Planck được đo bằng cách sử dụng cỗ máy "cân bằng Kibble" do nhà vật lý học quá cố Bryan Kibble phát triển lần đầu tiên ở NPL.
Nếu được thông qua, định nghĩa mới sẽ có hiệu lực vào Ngày đo lường quốc tế (20/5/2019). Hội nghị do Văn phòng Cân đo Quốc tế tổ chức.
Nguồn vnexpress